[dropcap]N[/dropcap]gày 14/5/2018, Ban giám hiệu và sinh viên ngành báo chí Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình I đã có buổi làm với Báo Điện tử – VOV.VN; Báo Tiếng nói Việt Nam về hợp tác và cơ chế cho các thực tập sinh của nhà trường.
Tại buổi làm việc, TS Phạm Hoài Nam, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường giới thiệu về những thế mạnh trong công tác đào tạo của nhà trường hiện nay. Với lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển, nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã trưởng thành và đang công tác tại các cơ quan báo chí, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… trên cả nước. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà trường luôn xác định báo chí là ngành trọng điểm và tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để sinh viên hoàn thiện kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Thông qua buổi làm việc này, lãnh đạo nhà trường bày tỏ mong muốn được tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các đơn vị. Đặc biệt, Ban giám hiệu đã đề xuất Báo Điện tử VOV – (vov.vn); Báo Tiếng nói Việt Nam tạo điều kiện tối đa cho sinh viên Nhà trường được thực tập, tiếp cận với môi trường làm báo chuyên nghiệp để được trải nghiệm trước khi các em bước vào nghề báo. Việc được thực tập một trong những cơ quan truyền thông, chuyên nghiệp với đầy đủ các loại hình báo chí và lớn nhất của cả nước là cơ hội tốt để các sinh viên được cọ xát, tiếp xúc với thực tế nghề báo.
Nhà báo Phạm Công Hân, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VOV – (VOV.vn) khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên ngành báo chí, Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình I được thực tập và trải nghiệm với quy trình làm báo mạng điện tử tại Báo điện tử VOV.
Cũng trong chương trình làm việc, nhà báo Đặng Quang Thương, Tổng biên tập báo Tiếng nói Việt Nam giới thiệu với các sinh viên báo chí về quy trình sản xuất báo Tiếng nói Việt Nam theo hướng hiện đại. Hơn nữa, sinh viên được nghe nhà báo Đặng Quang Thương phân tích về cách tiếp cận và những điểm nhấn nhằm thu hút bạn đọc của báo Tiếng nói Việt Nam.
Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách tập đoàn truyền thông lớn – 8 kênh phát thanh, 18 kênh truyền hình, 2 báo điện tử và 1 báo in. Được thực tập tại các đơn vị báo chí trực thuộc Đài, các em sẽ có những bước trưởng thành nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nghề sau khi ra trường.
Trong những năm gần đây, trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình I luôn đẩy mạnh hoạt động trao đổi thực tập sinh với các cơ quan báo chí, các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước. Nhiều thực tập sinh sau khi ra trường đã được nhận vào làm việc tại cơ quan nơi thực tập. Chính vì vậy, đây được xem là hoạt động tiền đề quan trọng mở rộng cánh cửa việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp./.
Khoa Báo chí truyền thông