“Có những rào cản ngăn bước ta đến với con đường chinh phục đam mê. Có lẽ tôi chưa đủ duyên và may mắn khi năm nay chưa đỗ vào ngôi trường mình đã ấp ủ từ những năm đầu cấp phổ thông.”- Lời tâm sự của sinh viên Thuý Nhi(18CDBC1) . Câu chuyện của tôi có lẽ phần nào đồng cảm được với suy nghĩ và câu chuyện của chị ấy.
Cũng bởi chưa thể tập trung vào công việc của mình, chưa đủ động lực và dũng cảm để theo đuổi ngôi trường Đại học mà tôi ấp ủ bấy lâu. Nhưng tôi không cho phép bản thân thấy tiếc nuối hay đau buồn vì chuyện đã xảy ra, tất cả là kết quả đánh giá cố gắng và thực lực của tôi trong suốt 12 năm cắp sách đến trường. Tôi đã quyết định sẽ làm lại bản thân, sẽ nghiêm khắc và trưởng thành hơn.

Tôi đỗ vào trường Cao đẳng Phát thanh -Truyền hình I, thật sự tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi tôi yêu con người, yêu cuộc sống này thông qua ống kính máy ảnh, tôi muốn dùng ống kính, dùng những bức ảnh của mình để truyền đạt tình yêu, quan điểm và cách suy nghĩ của mình tới mọi người. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản thân cũng như tin tưởng vào sự hỗ trợ của trường cao đẳng Phát thanh -Truyền hình I sẽ giúp tôi làm được việc đó.
Ngày đầu tiên nhập học, thật bất ngờ khi biết mình được các thầy cô chào đón nồng nhiệt đến thế, biết tôi theo học một lúc 2 trường đại học và cao đẳng, các thầy cô đã không ngần ngại đưa ra những lời tư vấn phù hợp, động viên và hứa sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi, điều này khiến tôi cảm thấy lựa chọn nhập học vào trường Cao đẳng Phát thanh -Truyền hình I là vô cùng đúng đắn.
Theo học mái trường Cao đẳng phát thanh truyền hình đến bây giờ đã gần 1 tháng, sáng thì học Cao đẳng, chiều xách balo lên và đi học Đại học. Tôi được các thầy cô và bạn bè tại trường Phát thanh- Truyền hình vẫn hết lòng ủng hộ và tin tưởng tôi – lớp trưởng K15 PTTH.

Ấn tượng nhất của tôi về sự đào tạo và hỗ trợ đào tạo từ nhà trường là buổi đi thực tế do nhà trường tổ chức ngay trong tuần đầu tiên của khóa học. Là môi trường chú trọng vào việc nâng cao tay nghề nên sinh viên được đi thực tế nhiều hơn so với các trường và học viện khác. Với các bạn có thể đó là điều bình thường, nhưng với tôi đó là món quà phải đánh đổi là mồ hôi, xăng dầu :))). Vui vẻ là thế nhưng tôi không quên mình đi thực tế là để học tập và trau dồi kiến thức.

Sáng 31/8/2018 chuyến thực tế thăm quan nơi làm việc của đài VTV bắt đầu. Chuyến đi thực tế để trong tôi biết bao niềm tin và cố gắng, một động lực thôi thúc tôi theo đuổi niềm đam mê nghề báo. Sau đó tôi và các bạn được tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ với khách mời là ca sĩ hải ngoại nổi tiếng Jimmy Nguyễn. Từ trước đến giờ tôi chỉ được xem chương trình qua truyền hình và xem với tư cách là một khán giả. Hôm nay tôi và các bạn vừa là khán giả, vừa là người học nghề. Kết thúc chương trình, tôi rút ra được một số kiến thức về ekip làm chương trình truyền hình, cụ thể là:
- Biên kịch là người viết kịch bản, biên kịch phải thông minh và hấp dẫn lắm mới có thể làm kịch bản thu hút cả khán phòng và hàng triệu người theo dõi trên các kênh truyền hình.
- Đạo diễn sẽ theo dõi từng chi tiết của cảnh quay, khi thấy cảnh nào chưa được sẽ chỉ đạo lại, vị trí đạo diễn lúc bấy giờ tôi thấy là đứng ở vị trí ngoài cùng, phía cuối trường quay nơi máy quay được bố trí cao nhất.
- Quay phim, 1 vị trí quay trung bình cần ít nhất 1 máy quay. Quay phim không chỉ là người bật tắt máy quay đúng chỉ đạo của đạo diễn mà người quay phim phải là người có chuyên môn về quay phim, biết lựa chọn góc quay đẹp, căn chỉnh máy quay và đưa ra ý kiến về diễn viên, âm thanh, ánh sáng …
- Trợ lý đạo diễn là người chịu trách nhiệm sắp xếp mọi thứ theo ý đồ của đạo diễn từ sắp xếp lịch trình quay đến đôn đốc những thành viên khác thực hiện đúng kịch bản và một số công việc quan trọng khác. Vị trí này là cánh tay đắc lực cho đạo diễn ( cô này đã có cuộc nói chuyện với bạn tôi nhờ bạn tôi giúp đỡ trong lúc thực hiện chương trình)
- Kĩ thuật âm thanh ánh sáng : Họ là những người chịu trách nhiệm, quản lý âm thanh, ánh sáng trên trường quay. Vị trí này cũng khá cần thiết, đặc biệt là kỹ thuật ánh sáng trong ê-kíp sản xuất. Bởi vì âm thanh và ánh sáng là 2 yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả đoạn phim. Những người này thường sẽ ở trong phòng kín và thực hiện hỗ trợ.
- Bộ phận cuối cùng và cũng là bộ phận quan trọng nhất chính là Ban biên tập dựng phim hay còn gọi là bộ phận xử lí hậu kì, họ sẽ là những người hoàn thiện sản phẩm hoàn chỉnh từ việc cắt, ghép, chèn thêm hiệu ứng âm thanh hình ảnh.

Như vậy để sản xuất ra một chương trình cần có 1 đội ngũ ekip hùng hậu và chuyên nghiệp. Tôi mong muốn nhà trường sẽ tổ chức nhiều chuyến đi thực tế hơn nữa để tôi và các bạn có nhiều cơ hội cọ xát, tham gia thực tế làm nghề để nhanh chóng trưởng thành hơn.
Vũ Tuấn Long(K15 – PTTH)